Đây là nội dung tại văn bản định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, được công bố sáng 16/4. Theo đó, Ban chỉ đạo Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính quy định chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có về cấp xã, ngoài ra có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã.
Ban Chỉ đạo yêu cầu trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức của cấp huyện, cấp xã hiện có. Cơ quan, đơn vị rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời hạn 5 năm. Dự kiến biên chế bình quân của mỗi cấp xã khoảng 32 (không bao gồm khối đảng, đoàn thể).
Về biên chế viên chức đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan thực hiện theo hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Địa phương có trách nhiệm bố trí chỉ tiêu biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách trong tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Các xã, phường kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay từ ngày 1/8.
Công chức làm việc tại bộ phận một cửa, Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng, tháng 3/2025. Ảnh: Nguyễn Đông
Lãnh đạo HĐND cấp xã gồm chủ tịch và phó chủ tịch. Lãnh đạo UBND cấp xã gồm chủ tịch và hai phó chủ tịch (một người kiêm nhiệm chức danh Chánh Văn phòng HĐND và UBND; một kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công). Các Ban của HĐND có trưởng ban và phó trưởng ban. Các phòng và tương đương của UBND có trưởng phòng (chức danh chuyên trách hoặc do phó chủ tịch UBND kiêm nhiệm) và cấp phó.
HĐND thành lập 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế – Xã hội. UBND thành lập tối đa 4 phòng phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo. Đó là: Văn phòng HĐND và UBND, Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc), Phòng Văn hóa – Xã hội, Trung tâm phục vụ hành chính công (xác định là tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp xã).
Đối với trường hợp đơn vị hành chính cấp xã giữ nguyên và không tổ chức các phòng chuyên môn thì số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã có thể bố trí tăng thêm một phó chủ tịch để bảo đảm vai trò điều hành của chính quyền trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Địa phương căn cứ vào thực tế để xem xét quyết định số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND phù hợp hoặc không tổ chức các phòng chuyên môn theo hướng dẫn chung (trừ các Ban của HĐND hiện có). Cùng với đó, họ được phân công công chức chuyên môn trực tiếp đảm nhiệm các vị trí việc làm.
Ban Chỉ đạo giao UBND cấp tỉnh quyết định số lượng cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cho phù hợp nhưng không vượt quá 4 phòng và tương đương. Trường hợp địa phương tổ chức số lượng cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp xã dưới 3 đầu mối thì có thể bố trí tăng một phó chủ tịch UBND để lãnh đạo, chỉ đạo.
Trường hợp không tổ chức các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp xã, giao UBND cấp tỉnh quyết định tăng biên chế so với số lượng biên chế cán bộ, công chức cấp xã hiện nay để thực hiện các nhiệm vụ mới chuyển giao từ cấp huyện.
Dự kiến số lượng biên chế không quá 40 cán bộ, công chức, trong đó tập trung cho công chức trực tiếp đảm nhiệm các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, công tác chính quyền.
Đối với các huyện đảo, thành phố đảo có đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, khi thực hiện sắp xếp thành đặc khu thì kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã. Trước mắt, Ban chỉ đạo cho phép giữ nguyên số lượng các cơ quan chuyên môn của huyện đảo, thành phố đảo như hiện nay; sau đó thực hiện theo hướng dẫn mới của Chính phủ.
Xem thêm: Không sử dụng cán bộ không chuyên trách cấp xã sau sáp nhập: Chế độ nghỉ việc thế nào?
Không sử dụng cán bộ không chuyên trách cấp xã sau sáp nhập: Chế độ nghỉ việc thế nào? (Hình từ internet)
1. Không sử dụng cán bộ không chuyên trách cấp xã sau sáp nhập theo Kết luận 137
Ngày 28/3/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 137-KL/TW về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, tại Kết luận 137-KL/TW Bộ Chính trị, Ban Bí thư có ý kiến về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, về biên chế đối với tổ chức chính quyền địa phương cấp xã, Bộ Chính trị và Ban Bí thư có ý kiến như sau:
+ Chuyển biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã.
+ Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện, cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp và thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định. Sau khi chính quyền địa phương đi vào hoạt động, giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế công chức, viên chức cho địa phương.
+ Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không bố trí công tác theo quy định.
Như vậy, theo Kết luận 137, sẽ không sử dụng cán bộ không chuyên trách cấp xã sau sáp nhập.
2. Không sử dụng cán bộ không chuyên trách cấp xã sau sáp nhập: Chế độ nghỉ việc thế nào?
Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 29/2023/NĐ-CP thì một trong những đối tượng được hưởng chính sách về tinh giản biên chế có người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.
Theo đó, cán bộ không chuyên trách cấp xã thực hiện tinh giản biên chế được hưởng chính sách tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, cụ thể:
Đối tượng tinh giản biên chế là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp như sau:
+ Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên;
+ Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh không do bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/82425/khong-su-dung-can-bo-khong-chuyen-trach-cap-xa-sau-sap-nhap-che-do-nghi-viec-the-nao
Nguồn: https://vnexpress.net/100-cong-chuc-cap-huyen-chuyen-ve-xa-sau-sap-nhap-4874738.html