Bộ Nội vụ vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính. Trong đó, tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số được xác định theo quy định tại Nghị quyết số 1211 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27 năm 2022).
Theo Bộ Nội vụ, căn cứ các tiêu chí định hướng này, dự kiến cả nước chỉ còn 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh là giữ nguyên, trong đó có 4 tỉnh thuộc miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Huế.
Thanh Hóa chưa từng sát nhập
Với diện tích rộng lớn, dân số đông đảo và vị trí chiến lược, Thanh Hóa chưa bao giờ đổi tên hay sáp nhập với tỉnh khác kể từ khi thành lập cho đến nay.
Tọa lạc tại khu vực Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của nhiều vua chúa, anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.
Một góc TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Xét về lịch sử, tên gọi Thanh Hóa đã ra đời cách đây gần 1.000 năm. Vùng đất này từng là nơi chứng kiến sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn. Từ thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc cho đến thời kỳ tự chủ, khu vực này gắn liền với các tên gọi Cửu Chân và Ái Châu. Vào đầu thời nhà Lý, khu vực Thanh Hóa được gọi là trại Ái Châu. Năm 1029, dưới triều vua Lý Thái Tông, đất nước Việt Nam được chia thành 24 lộ, trong đó có lộ phủ Thanh Hóa. Từ đó, tên gọi “Thanh Hóa” chính thức xuất hiện như một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.
Nghệ An và Hà Tĩnh từng sát nhập
Trong số 11 tỉnh, thành, Nghệ An và Hà Tĩnh là 2 địa phương trong lịch sử đã từng sáp nhập và có diện tích lên đến hơn 22.000km2, chiếm 1/15 diện tích cả nước và gấp đến 75 lần diện tích của quốc gia nhỏ nhất thế giới là Maldives (khoảng 300km2).
Nằm kề nhau ở vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An và Hà Tĩnh có mối quan hệ sâu sắc về văn hóa, địa lý và con người. Trước năm 1831, cả hai cùng nằm trong địa danh rộng lớn gọi là trấn Nghệ An. Đến thời vua Minh Mạng, năm 1831, Hà Tĩnh chính thức được tách ra thành một tỉnh riêng, đánh dấu lần chia tách hành chính đầu tiên giữa hai địa phương.
Suốt thời kỳ Pháp thuộc và những năm đầu độc lập, Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh riêng biệt. Tuy nhiên, đến năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, hai tỉnh được sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh, như một phần của nỗ lực tinh gọn bộ máy hành chính. Tỉnh lỵ đặt tại TP. Vinh, trung tâm phát triển kinh tế – văn hóa của khu vực.
Một góc TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, mô hình tỉnh lớn với địa bàn trải dài, phân hóa địa lý rõ rệt cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Năm 1991, Quốc hội khóa VIII thông qua việc chia lại Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh như cũ. Nghệ An giữ nguyên trung tâm tại TP. Vinh, còn Hà Tĩnh chọn thị xã Hà Tĩnh làm tỉnh lỵ (nay là TP. Hà Tĩnh).
Hiện tại, Nghệ An giữ vị trí chiến lược, kết nối vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào với biển Đông, là cửa ngõ giao thương quan trọng trong khu vực. Hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển toàn diện, gồm hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Đây cũng là tỉnh rộng nhất Việt Nam với diện tích 16.490km2.
Với tỉnh Hà Tĩnh, sau khi tách khỏi Nghệ Tĩnh vào năm 1991, từ một tỉnh nông nghiệp nghèo đã vươn lên thành một địa phương có nhiều dấu ấn trong phát triển công nghiệp, xuất khẩu lao động và thu hút đầu tư. Vị trí chiến lược giáp biển và biên giới Lào giúp Hà Tĩnh trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế tiềm năng của miền Trung.
Một góc TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
TP Huế – TP trực thuộc trung ương rộng nhất Việt Nam
TP Huế là thành phố trực thuộc trung ương rộng nhất Việt Nam , trong số 6 thành phố trực thuộc trung ương hiện tại, được đề xuất giữ nguyên trạng.
Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, Quốc hội khóa 15 đã quyết định thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc trung ương, với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thành. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, TP Huế là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2, và quy mô dân số là 1.236.393 người.
Một góc TP. Huế.
TP Huế có 4 huyện (gồm huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, huyện A Lưới, huyện Phú Lộc), 3 thị xã (gồm thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy) và 2 quận (gồm quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa).
Tại Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đến năm 2045, đô thị này có đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; là thành phố Festival, trung tâm văn hóa – du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Xem thêm: Đề xuất giữ nguyên 11 tỉnh không thực hiện sáp nhập, 52 tỉnh còn lại phải sắp xếp
Tại tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên 11 ĐVHC cấp tỉnh, 52 ĐVHC cấp tỉnh còn lại thuộc diện phải sắp xếp.
Dự thảo được xây dựng nhằm triển khai các kết luận của Bộ Chính trị về việc “sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã”.
Theo đó, Nghị quyết quy định rõ các tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, bám sát 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị thống nhất, bao gồm: Diện tích tự nhiên; Quy mô dân số; Yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; Địa kinh tế (bao gồm vị trí địa lý, quy mô và trình độ phát triển kinh tế); Địa chính trị; Quốc phòng, an ninh.
Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên 11 tỉnh không phải thực hiện sáp nhập trong kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Trong đó, tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số được xác định theo quy định tại Nghị quyết 1211 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đã sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Đặc biệt, dự thảo nhấn mạnh không thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính có vị trí biệt lập, khó kết nối giao thông, hoặc những địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Theo các tiêu chí trên, Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh bao gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 52 địa phương còn lại thuộc diện phải sắp xếp, bao gồm cả 4 thành phố trực thuộc Trung ương là TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Cơ quan soạn thảo cho biết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã sẽ dựa trên các tiêu chí: diện tích tự nhiên, quy mô dân số, yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc, địa kinh tế, địa chính trị, quốc phòng và an ninh. Trong đó, tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số được xác định theo Nghị quyết số 1211 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính.
Theo đó đơn vị hành chính cấp tỉnh phải đáp ứng ba tiêu chuẩn về diện tích, dân số, số đơn vị hành chính cấp huyện. Tỉnh miền núi, vùng cao diện tích từ 8.000 km2, dân số 0,9 triệu; tỉnh còn lại diện tích 5.000 km2, dân số 1,4 triệu. Thành phố trực thuộc trung ương diện tích 1.500 km2, dân số một triệu. Tất cả tỉnh, thành phố đồng thời phải có từ 9 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.
Các tỉnh, thành phố chưa đạt 100% tiêu chuẩn đơn vị cấp tỉnh theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính thì phải sáp nhập.
Nguồn: https://vtcnews.vn/de-xuat-giu-nguyen-11-tinh-52-tinh-con-lai-phai-sap-xep-ar933782.html