Kế hoạch chi trả tiền thưởng cho giáo viên
Từ cuối tháng 5 đến hiện tại là thời điểm các trường mầm non và phổ thông hoàn thành nhiệm vụ và kết thúc năm học. Đây đồng thời là quá trình phân loại và đánh giá nhân viên, là bước quan trọng để thực hiện chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại nhiều địa phương, UBND tỉnh đã ban hành hướng dẫn về nguyên tắc xử lý tài chính đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khi tổ chức lại bộ máy. Riêng đối với quỹ tiền thưởng của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước năm 2025, hướng dẫn nêu rõ: chỉ được tạm chi không quá 50% dự toán quỹ tiền thưởng đầu năm theo quy định tại Nghị định 73.
Một số địa phương khác cũng đã lên kế hoạch chi trả tiền thưởng cho giáo viên trong 6 tháng đầu năm ngay trong tháng 6, sau khi có kết quả phân loại viên chức. Việc phân loại bao gồm các mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Căn cứ vào kết quả này, thủ trưởng đơn vị sẽ quyết định mức thưởng theo đúng quy định.
Ở số địa phương khác cũng đã lên kế hoạch chi trả tiền thưởng cho giáo viên (Ảnh minh họa).
Theo Điều 4 Nghị định 73/2024/NĐ-CP, chế độ tiền thưởng áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bao gồm thưởng đột xuất theo thành tích công tác và thưởng định kỳ hàng năm theo kết quả đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Quỹ tiền thưởng này được xác định bằng 10% tổng quỹ tiền lương (không bao gồm phụ cấp) và không được chuyển sang năm sau nếu chưa sử dụng hết trước ngày 31/1 năm kế tiếp.
Như vậy, tuy Nghị định không quy định thời điểm cụ thể để chi trả, nhưng việc chia thành hai đợt: 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm là phù hợp với chu kỳ công tác và tài chính của đơn vị.
Giáo viên có thể nhận thưởng từ 4 đến 7 triệu đồng
Chế độ thưởng theo Nghị định 73 chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2024. Mỗi trường học được bổ sung thêm 10% quỹ lương để chi thưởng cho giáo viên, không tính phụ cấp. Căn cứ vào quy chế chi thưởng của từng đơn vị, giáo viên có thể được nhận từ 4 đến 7 triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
(Ảnh minh hoạ)
Thông thường, đợt thưởng đầu tiên sẽ rơi vào dịp hè, thời điểm giáo viên có thể sử dụng khoản thu nhập này để về quê, đi du lịch hoặc tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn. Đợt thứ hai sẽ trùng với kỳ nghỉ Tết Âm lịch, góp phần tăng thu nhập dịp lễ Tết.
Chính sách tiền thưởng theo Nghị định 73 được kỳ vọng sẽ là nguồn động viên thiết thực, góp phần khuyến khích đội ngũ nhà giáo nỗ lực hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nguồn: https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/trong-thang-62025-giao-vien-se-duoc-nhan-khoan-tien-len-toi-7-trieu-dong-nen-biet-de-huong-du-291380.html
Xem thêm: Sau khi tăng phụ cấp 45-80%, mức lương cao nhất của giáo viên mầm non là bao nhiêu?
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập. Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non từ 35% hiện nay lên từ 45% đến 80%.
Đề xuất giáo viên mầm non sẽ được tăng phụ cấp 45-80%. Ảnh minh hoạ
Cụ thể, mức phụ cấp 45% được áp dụng cho viên chức, người lao động trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Mức 60% dành cho giáo viên làm việc tại các trường mầm non thuộc xã khu vực I, khu vực II ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.
Trong đó, mức cao nhất 80% được áp dụng cho giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Lương giáo viên mầm non hạng I
Lương giáo viên mầm non hạng II
Lương giáo viên mầm non hạng III
Theo Bộ GD&ĐT, giáo viên mầm non đảm nhiệm việc chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, yêu cầu cường độ lao động cao, làm việc từ 9 đến 10 tiếng mỗi ngày để đảm bảo an toàn và thu hút sự chú ý của trẻ.
Tuy nhiên, thu nhập hiện nay chưa phản ánh đúng tính chất đặc thù và áp lực nghề nghiệp. Với hệ số lương khởi điểm là 2,1 và phụ cấp 35%, giáo viên mới vào nghề chỉ nhận khoảng 6,63 triệu đồng/tháng – thấp nhất trong hệ thống giáo dục.
Mức thu nhập không tương xứng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghỉ việc cao ở bậc học này. Chỉ tính riêng từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, đã có hơn 1.600 giáo viên mầm non xin nghỉ việc.
Bộ GD&ĐT kỳ vọng, nếu Nghị định được thông qua, các địa phương sẽ có cơ sở triển khai chính sách một cách đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và giữ chân đội ngũ giáo viên.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/bang-luong-thu-nhap-cua-giao-vien-mam-non-khi-duoc-tang-phu-cap-1510951.ldo