Bộ Y tế vừa phát hành thông tư hướng dẫn chi tiết và quy định cụ thể việc thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), bao gồm danh sách một số bệnh được khám chữa mà không yêu cầu giấy chuyển tuyến.
Theo báo Dân trí đưa tin, thông tư ban hành kèm danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được hưởng 100% mức hưởng theo quy định.
Theo thông tư, trong trường hợp mắc các bệnh thuộc danh mục trên, người tham gia BHYT không phải thực hiện quy định về chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể, người bệnh được hưởng quyền lợi sau khi đã được một cơ sở y tế chẩn đoán xác định mắc bệnh thuộc danh mục này.
Bộ Y tế vừa ban hành danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… không cần giấy chuyển tuyến (Ảnh minh họa: B.V).
Ví dụ 1, danh mục có bệnh u ác ở tụy mã bệnh C25, người bệnh được hưởng như sau:
– Người bệnh đã được bệnh viện A (thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hoặc cơ bản) chẩn đoán xác định mắc bệnh u ác ở tụy thì được hưởng quyền lợi theo quy định tại điều này khi tự đến khám bệnh, chữa bệnh u ác ở tụy tại bệnh viện B (thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu).
– Người bệnh tự đến khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện B (thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu) và được chẩn đoán mắc bệnh u ác ở tụy thì được hưởng quyền lợi theo quy định tại điều này ngay trong lần khám bệnh, chữa bệnh này tại bệnh viện B.
Trong trường hợp đến khám tại bệnh viện B, người bệnh phát hiện thêm bệnh khác thì cũng được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc bệnh kèm theo được phát hiện đó theo phạm vi được hưởng và mức hưởng quy định đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về BHYT.
Tuy nhiên, nếu người bệnh đề nghị khám bệnh, chữa bệnh thêm bệnh khác thì sẽ không được hưởng quyền lợi theo quy định tại điều này đối với việc khám bệnh, chữa bệnh khác đó tại Bệnh viện B.
Ngoài ra, nếu Bệnh viện B xác định người bệnh không mắc bệnh u ác ở tụy thì người bệnh vẫn được quyền lợi theo quy định tại điều này đối với lần khám bệnh, chẩn đoán đó tại bệnh viện B.
Một điểm đáng lưu ý là trường hợp bệnh tại các phụ lục có quy định điều kiện hoặc tình trạng bệnh, người bệnh chỉ được hưởng quyền lợi khi đáp ứng điều kiện hoặc tình trạng bệnh đó.
Danh mục một số bệnh được khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế cấp chuyên sâu gồm 62 bệnh, nhóm bệnh.
Danh mục một số bệnh được khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế cấp chuyên cơ bản gồm 105 bệnh, nhóm bệnh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm điều chỉnh một số vướng mắc, bất cập, phát sinh. Ngày 27/11, Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Một trong những điểm mới của Luật là quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.
Đặc biệt, trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo…, người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Theo đó, Bộ Y tế sẽ quy định danh mục các bệnh này, danh mục này không cố định mà được điều chỉnh tùy từng giai đoạn. Trường hợp này không cần giấy chuyển tuyến.
Đối tượng tham gia BHYT quy định trong luật này được giữ nguyên như luật hiện hành và bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, nhằm động viên, khích lệ và có chính sách thỏa đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, luật mở rộng phạm vi hưởng BHYT với hình thức khám bệnh, chữa bệnh từ xa; hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa; khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; khám bệnh, chữa bệnh tại nhà.