Tảo mộ là hoạt động mang nhiều ý nghĩa tâm linh tốt đẹp của người Việt nhưng khi đi tảo mộ phải tránh những điều đại kỵ này.

Ý nghĩa của việc tảo mộ cuối năm

Tảo mộ cuối năm là nét đẹp văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt, thường được các gia đình thực hiện vào những ngày cận Tết Nguyên Đán. Đây là nghi thức quan trọng và thiêng liêng, thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với tổ tiên, dòng họ, giáo dục về lòng hiếu thuận, sự biết ơn với các bậc tiền nhân.

Người xưa có câu “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”, trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, cha ông dù đã mất đi nhưng vẫn luôn ở trong tâm trí của con cháu đời sau. Tục thờ cúng tổ tiên chính là biểu hiện của sự thành kính của người Việt với cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ, với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Bởi vậy, tục tảo mộ được truyền từ đời này sang đời khác như một dịp thiêng liêng để gia đình, con cháu hội tụ, sum vầy để dọn dẹp nơi an nghỉ của những người đã khuất trong dòng họ, giãi bày tâm tư tình cảm, chia sẻ niềm vui, nỗi lo, mong mỏi của mình với những người đã khuất.

Nhiều gia đình thường kết hợp lễ tảo mộ cuối năm cùng lễ mời ông bà tổ tiên về ăn Tết, phù hộ độ trì cho con cháu một năm mới an lành, mạnh khỏe.

Những việc cần làm tại lễ cuối năm

Trước khi tiến hành dọn dẹp phần mộ, người chủ gia đình hoặc người lớn tuổi cần thực hiện thắp hương xin phép và đọc văn khấn tảo mộ cuối năm.

Trong khi đợi hương tàn, con cháu có thể tiến hành dọn dẹp phần mộ. Khi nén hương cháy được 2/3 thì gia chủ có thể tiến hành hóa vàng và xin thụ lộc.

– Sửa sang, dọn dẹp khu mộ cho sạch sẽ mặt trước, mặt sau và khu vực xung quanh.

– Nhổ phát cỏ, cây dại xung quanh khu mộ.

– Có thể trồng hoa, trang trí cho khu mộ đẹp và ấm cúng.

– Thắp hương cho những mộ phần xung quanh khu mộ của gia đình.

– Nên ăn mặc lịch sự, trang trọng để thể hiện sự tôn nghiêm, thành kính với những người đã khuất. Nếu đi cùng con, cháu, đây là dịp để giải thích cho con cháu về ông bà, tổ tiên và công đức dòng họ.

– Sau khi đi tảo mộ về, nên tắm giặt sạch sẽ để loại bỏ hàn khí, bụi bẩn.

Cận Tết cũng là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cội nguồn và các vị tổ tiên thông qua hoạt động tảo mộ. Nhưng có nhiều người vẫn chưa thực sự rõ hoạt động tảo mộ cuối năm cần kiêng kỵ những gì?

Kiêng kỵ nên tránh trong lễ tảo mộ cuối năm

Không nên nói to, cười đùa, mắng chửi nhau khi đi tảo mộ khi làm lễ

Khi tới nơi mộ phần, các trưởng lão sẽ lo phần lễ bái, còn con cháu đứng nghiêm túc chấp tay cầu nguyện. Lưu ý khi làm lễ mọi người không nên nô đùa hay nói chuyện quá to, hãy thể hiện một cách nghiêm túc, trang nghiệm, tôn trọng người đã khuất.

Nghĩa trang là nơi những người đã khuất yên nghỉ. Do đó, việc cười đùa hay mắng chửi, nói lớn tiếng là điều không nên. Mọi người nên nói chuyện nhỏ nhẹ để thể hiện sự tôn trọng với người đã mất, duy trì sự trang nghiêm.

Đi tảo mộ với thái độ chân thành

Khi đi cúng tế và tảo mộ cần phải chân thành, trên đường đi nếu có mộ, dù đi hay đứng lại đều cần phải lễ độ cung kính. Trong quá trình tảo mộ không nên làm lộn xộn quá nhiều các mảnh đất vụn đá vụn để tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Không chụp ảnh quanh mộ

Bởi vì tảo mộ cũng thường là khoảng thời gian người thân tụ tập lại với nhau, lúc này cần chú ý không được chụp ảnh tập thể ở xung quanh mộ.

Tảo mộ là dịp con cháu tụ họp, cùng nhau dọn dẹp phần mộ tổ tiên, thực hiện các nghi lễ cúng bái. Một trong những kiêng kỵ khi đi tảo mộ là chụp ảnh trước mộ. Nhiều người cho rằng khu vực xung quanh toàn mồ mả ảm đạm, không phải nơi thích hợp để chụp ảnh.

* Thông tin mang tính chất tham khảo

Dọn dẹp bàn thờ sau khi tảo mộ

Sau phần tảo mộ trở về là tiếp tới việc dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, nơi thờ cúng. Đây cũng là công việc quan trọng để con cháu thể hiện sự tôn trọng, thành kính, quan tâm chăm sóc của mình đối với ông bà, tổ tiên.

Không nhặt những đồ có hình thù kỳ quái

Khi đi tảo mộ cuối năm, mọi người nên tránh nhặt những món đồ có hình thù kỳ dị, những món đồ không rõ nguồn gốc. Theo phong thủy, những món đồ như vậy thường dễ hấp thụ những nguồn năng lượng xấu. Ngoài ra, khu vực mộ phần là nơi có nguồn âm khí nặng. Mang những món đồ có hình thù kỳ quái, không rõ nguồn gốc từ mộ về nhà được cho là sẽ mang theo những điều không tốt lành.

Không mang hoa quả, lễ mặn từ mộ phần của nhà khác về

Khi đi tảo mộ cuối năm, các gia đình sẽ mang theo bánh kẹo, hoa quả, thậm chí có nhà mang cả lễ mặn để dâng lên ông bà tổ tiên. Khi thắp hương xong, gia đình có thể xin hạ lễ và mang về cho con cháu trong nhà hưởng lộc.

Cần phải lưu ý rằng không được tự ý lấy đồ cúng của các phần mộ khác về nhà. Việc lấy đồ cúng của nhà khác là hành động bất kính, có thể mang theo những điều không may mắn, ảnh hưởng đến vận khí của gia đình.

Khi đi tảo mộ, các bậc phụ huynh nên nhắc nhở con cháu và để mắt tới các cháu nhỏ để tránh việc nghịch hoặc lấy đồ cúng ở các phần mộ bên cạnh.

Không đem đất trên mộ phần về nhà

Ở nghĩa trang thường có những mộ phần chưa được cải tháng. Những mộ này sẽ chỉ được đắp đất ở bên trên. Khi đi tảo mộ, mọi người chú ý không được dẫm lên phần mộ này (bất cứ các phần mộ khác cũng vậy) vì đây là hành động bất kính với chủ mộ. Ngoài ra, đất cát trên phần mộ có thể vô tình dính vào giày dép và được mang về nhà. Theo quan niệm phong thủy, đất trên các phần mộ thường mang nguồn khí âm nặng. Mang chúng về nhà là điều không tốt lành, có thể tác động đến vận khí của gia đình, mang tới những điều không may mắn, khiến mọi chuyện không hanh thông.

Không ăn mặc hở hang

Tảo mộ là một nghi lễ truyền thống quan trọng. Do đó, khi đi tảo mộ, mọi người nên ăn mặc chỉnh tề, tránh mặc trang phục hở hang, gây phản cảm.

Sắm lễ tảo mộ

Lễ tảo mộ có thể làm độc lập vào tất cả các ngày tốt trong tháng Chạp hoặc nhiều gia đình cũng thường kết hợp với lễ mời gia tiên về ăn Tết sau ngày 23 tháng Chạp âm lịch tới 30 Tết.

Thông thường, tùy vào điều kiện mỗi gia đình và phong tục từng miền, mỗi nơi mỗi nhà có cách sắm lễ tảo mộ khác nhau. Có thể tham khảo như sau: 10 bông hoa hồng đỏ tươi, 3 lá trầu, 3 quả cau, 1 đĩa trái cây, 1 đĩa xôi trắng có gà trống thiến luộc nguyên con đặt lên trên, rượu, chè, thuốc lá, 2 nến cốc màu đỏ

Phần đồ mã cần có: 1 cây hoa vàng, hoa đỏ, 5 con ngựa (mỗi con 1 màu), 5 bộ (mũ, áo, hia) loại to có kèm ngựa, cờ lệnh, kiếm và roi.

Bài văn khấn lễ tảo mộ

(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam, NXB Văn Hóa – Thông Tin)

“Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

– Con kính lạy ngài Địa tạng vương bồ tát.

– Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.

– Con kính lạy ngày Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương quản cai nơi nghĩa trang.

– Con kính lạy Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa Tôn thần.

– Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ Long Mạch Tôn thần, các ngài Tiền Chu tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản trong nơi nghĩa trang này.

– Con kính lạy hương linh cụ:…………………..

Hôm nay là ngày…….. tháng Chạp, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.

Tín chủ (chúng) con là:…………..

Ngụ tại:…………..

Chúng con sắm sanh phẩm vật, hương hoa trà quả,kim ngân tài mã, dâng hiến trình cáo Tôn thần.

Kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là:……………

Kỵ nhật là…

Có phần mộ táng tại…………

Được về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, Phủ thùy doãn hứa.

Âm dương cách trở

Bát nước nén hương.

Thành tâm kính lễ

Cúi xin chứng giám

Phù hộ độ trì

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!”

*Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *