Tại Nghị quyết 27-NQ/TW, chính sách cải cách cách tiền lương đã được Ban Chấp hành Trung ương đã lên kế hoạch thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, thời điểm đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc cải cách được hoãn lại.
Đến tháng 11/2023, chính sách cải cách tiền lương mới được Quốc hội chính thức thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 tại Nghị quyết 104/2023/QH15 theo tinh thần của Nghị quyết 27.

Theo Nghị quyết 27, mục tiêu, lộ trình tăng lương từ 01/7/2024 đến năm 2030 được nêu rõ như sau:
Chính sách lương từ 01/7/2024
Áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị:
– Mức tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
– Điều chỉnh lại cơ cấu tiền lương. Theo đó, cơ cấu tiền lương mới gồm lương cơ bản (khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (khoảng 30% tổng quỹ lương). Bên cạnh đó còn có quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
– Thay thế hệ thống bảng lương hiện hành bằng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Theo đó, việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới sẽ phải bảo đảm lương mới không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Theo đó, hệ thống bảng lương mới bao gồm:
+ Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
+ Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
+ Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an.
+ Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an.
+ Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Chính sách tiền lương từ năm 2025
Thực hiện nâng mức tiền lương định kỳ đảm bảo phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước. Mức lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, để bù trượt giá và cải thiện theo mức tăng trưởng GDP, dự kiến tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm với mức lương của công chức, viên chức.
Đến năm 2030, hướng tới mục tiêu tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Xem thêm: Bộ Nội vụ trả lời về kiến nghị xem xét tăng lương cơ sở năm 2025
2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm (2021 – 2025). Tuy nhiên, trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động về kinh tế – xã hội, thu ngân sách nhà nước dự báo gặp nhiều khó khăn nên chưa có cơ sở xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và các chính sách khác.
Nội dung trên là phản hồi của Bộ Nội vụ mới đây về kiến nghị xem xét tăng lương cơ sở năm 2025 từ ông Đỗ Thanh Tra (tỉnh Long An).

Chưa có cơ sở xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức năm 2025
Ngoài vấn đề trên, trong kiến nghị của mình, ông Tra đặt ra 2 vấn đề khác đề nghị Bộ Nội vụ giải đáp.
Cụ thể, thực hiện Kết luận số 83-KL/TW, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 918/QĐ-TTg ngày 27/8/2024, trong đó giao Bộ Nội vụ thực hiện trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến chế độ nâng bậc lương và kéo dài thời hạn nâng bậc lương (trong năm 2024). Tại các kỳ họp thông tin đến báo chí, Bộ Nội vụ cũng đã đề ra tiến độ thực hiện nội dung này.
Ông Tra đề nghị Bộ Nội vụ cho biết việc thực hiện nội dung này như thế nào để các cơ quan, đơn vị được biết và thực hiện.
Bên cạnh đó, hiện nay việc thực hiện xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm vẫn chưa hoàn thiện, ông Tra đề nghị Bộ Nội vụ thông tin đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước – là đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách – biết về tiến độ thực hiện thời gian tới.
Về các vấn đề trên, Bộ Nội vụ cho hay Bộ đang trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó có nội dung về chế độ nâng bậc lương và kéo dài thời hạn nâng bậc lương.
Về tiến độ xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm thì thực hiện Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị, trong đó giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan có nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Nguồn: https://vtv.vn/chinh-tri/bo-noi-vu-tra-loi-ve-kien-nghi-xem-xet-tang-luong-co-so-nam-2025-20250511111054678.htm
Nguồn: https://giaitri.thoibaovhnt.com.vn/lo-trinh-tang-luong-cho-cong-chuc-vien-chuc-nguoi-lao-dong-tu-nay-den-nam-2030-862171.html