Mới đây, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa có cảnh báo người tiêu dùng trên toàn quốc không nên mua miếng dán đồ chơi stickers có nguồn gốc từ Trung Quốc gây ung thư và vô sinh, song trên thực tế không phải ai cũng biết đến tác hại của chúng.

Bày bán tràn lan

Không phải đến bây giờ các sản phẩm hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc mới khiến người tiêu dùng thấp thỏm lo âu về chất lượng. Từ đồ chơi cho trẻ em với những sản phẩm gắn với bạo lực, hay đồ chơi nhựa độc hại, giờ đến cả những miếng dán hoạt hình cho trẻ em cũng được cảnh báo là không an toàn.

Khảo sát một số địa điểm bán đồ chơi của Hà Nội như Lương Văn Can, Hàng Mã, Đồng Xuân… rất dễ nhận thấy loại đồ chơi này được bày bán tràn lan. Mùa Noel sắp đến gần, không khó để bắt gặp hình ảnh những miếng dán hoạt hình, ông già Noel, cây thông, tuần lộc… với đủ màu sắc, hình dáng đa dạng và giá chỉ từ 15.000 – 30.000 đồng, được ghi rõ “Sản xuất tại Trung Quốc”.

Khi được hỏi là những hình dán này có nguy cơ gây độc hại cho người dùng hay không, chị N.T.C – chủ một cửa hàng trên phố Lương Văn Can cho biết, chúng tôi chưa thấy ai nói gì về việc miếng dán này gây độc hại. Hàng ngày số lượng sản phẩm này vẫn được bán đều, thậm chí bán buôn cho nhiều người ở các tỉnh. Tuy nhiên, chị C. cũng thẳng thắn cho rằng không lời lãi gì mấy ở mặt hàng này.

 Không nên cho trẻ chơi miếng dán có xuất xứ Trung Quốc.

Không nên cho trẻ chơi miếng dán có xuất xứ Trung Quốc.

Không chỉ có ở những chợ đồ chơi mà ngay chính trong các nhà sách, siêu thị, kể cả các cửa hàng tạp hóa ở những khu đông dân cư cũng bày bán rất nhiều hình dán này.

Vì sao khi đã có thông tin về tính chất độc hại của sản phẩm này mà nó vẫn được bày bán tràn lan mà không có sự vào cuộc hay nhắc nhở từ các cơ quan chức năng?

Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, ông San cho biết, sau khi có thông tin về tác hại của những sản phẩm sticker này, lực lượng QLTT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với lực lượng công an và chính quyền địa phương, đặc biệt là quận nội thành, ra quân rà soát những nơi tập trung bán đồ chơi, tại các cổng trường học, các siêu thị, cửa hàng sách, văn phòng phẩm tịch thu mặt hàng này. Tuy nhiên, do dịp Giáng sinh sắp đến, một số cửa hàng kinh doanh đã quay trở lại bán mặt hàng này. Ông San cam kết, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục ra quân chấn chỉnh kịp thời trong thời gian tới, để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Tác hại thế nào?

Theo Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, trên thị trường xuất hiện loại sản phẩm “miếng dán hoạt hình stickers”, qua kiểm nghiệm có chứa hàm lượng phthalates với nồng độ vượt mức cho phép gấp nhiều lần so với ngưỡng an toàn được quy định trong bộ tiêu chuẩn REACH regulation (EC). Cụ thể, trong kết quả thử nghiệm cho thấy, hàm lượng phthalates DINP là 37.390mg/kg trong khi giới hạn cho phép là 300mg/kg; còn DEHP có hàm lượng 14.100mg/kg trong khi giới hạn cho phép là 100mg/kg.

Những chất này có thể xâm nhập cơ thể bằng các tiếp xúc qua da, đường miệng và cả đường hô hấp và có khả năng là tác nhân khiến bé gái dậy thì sớm và nguyên nhân gây vô sinh ở bé trai sau này. Ngoài những tác động trên, nó còn gây ung thư, ảnh hưởng tới chức năng các cơ quan khác như gan và thận.

Do đó, Cục đã đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng cảnh báo người tiêu dùng không mua và sử dụng những sản phẩm này. Đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Phthalate là chất độc hại có khả năng gây ung thư và vô sinh cho trẻ em, trước đó chất này đã từng được phát hiện trong sản phẩm thú nhún Trung Quốc đã từng bày bán tại Việt Nam.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, những đồ dùng bằng nhựa nói chung và những loại đồ chơi bằng nhựa dành cho trẻ nhỏ nói riêng, trong thành phần của chúng không thể thiếu phthalates. Đây không phải là một chất mà là một nhóm chất, được dùng làm phụ gia để tăng độ dẻo dai của các sản phẩm nhựa, kể cả thuốc trừ sâu…

Do vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt cẩn trọng với những sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những loại đồ chơi có chứa chất độc hại, phụ huynh khi chọn mua những sản phẩm đồ chơi cho trẻ cần kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và thành phần chất liệu được cơ quan chức năng kiểm duyệt, đóng dấu hợp quy, nhãn mác đối với các sản phẩm để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ.

Xem thêm: Bé trai 3 tuổi một bên phổi chuyển trắng xóa, không thở được vì món đồ chơi mà bé nào cũng có

Một người mẹ đã bế đứa con 3 tuổi của mình tất tả chạy đến bệnh viện nhờ giúp đỡ: “Bác sĩ làm ơn giúp cho, cháu không thở được”. Thì ra đứa trẻ 3 tuổi trong lúc chơi đùa với anh mình đã vô tình bỏ dị vật vào miệng, theo miêu tả của người mẹ thì đây có lẽ là một viên bi sắt. 

Chị cho biết lúc đó 2 con ngồi chơi với nhau, mình thì đang bận một chút chuyện nên không có mặt ở đấy. Vài phút sau nghe tiếng con khóc ré lên, người mẹ tất tả chạy ra dỗ con thì thấy đứa trẻ tím tái, hơi thở nặng nhọc. Dù đã vỗ lưng cho con nhưng tình hình không khả quan, chẳng biết làm cách nào, chị đành bắt xe đưa con vào viện ngay.

Sau đó, em bé đã được chuyển đến bệnh viện Nhi để tìm cách gắp dị vật ra ngoài. Khi thăm khám cho đứa trẻ, các bác sĩ tại đây cho biết kết quả X-quang cho thấy một bên phổi có dị vật của đứa trẻ đang dần chuyển sang trắng xóa, tình hình hết sức nguy kịch.

hình ảnhDo thời gian gấp rút, các bác sĩ khoa Tai – Mũi – Họng lập tức được chỉ định để nhanh chóng lấy dị vật ra ngoài. Điều đáng nói ở đây là viên bi bằng thép này quá nhỏ và bề mặt lại trơn nhẵn nên đã gây nhiều khó khăn cho ekip. Viên bi mắc kẹt ở phế quản bên trái, có dấu hiệu chặn kênh thông khí. Nếu không được đưa ra nhanh chóng, tính mạng đứa trẻ có thể gặp nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, bác sĩ đã thử nhiều lần nhưng vẫn không thể gắp viên bi ra ngoài thành công. Họ sử dụng đến tận 3 loại kẹp khác nhau để gắp dị vật, nhưng 1 tiếng đồng hồ trôi qua tình hình vẫn không khả quan.

Nếu vẫn không thành công, các bác sĩ đã tính đến cách phải phẫu thuật nội soi cho đứa trẻ. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng thử lại thêm 2 lần nữa, may mắn là ở lần cuối cùng, sau 30 phút đồng hồ cố gắng. Các bác sĩ đã gắp được viên bi ra ngoài.

hình ảnhSau khi ca gắp dị vật diễn ra thành công, cả phòng vỡ òa trong vui sướng. Sắc mặt của đứa trẻ 3 tuổi cũng dần hồng hào trở lại. Không lâu sau đó, em bé được xuất viện về nhà với gia đình. Người mẹ vô cùng cảm kích và cũng rất ân hận vì đã không chăm sóc con cẩn thận để dẫn đến sự việc trên. May mắn là tất cả đều ổn thỏa.

Trẻ nhỏ thường có thói quen đưa mọi thứ mình có được vào miệng. Đây là nguyên nhân khiến các dị vật nhỏ có thể rơi vào đường thở hoặc thực quản, gây nguy hiểm đến tính mạng của con. Chính vì thế, bố mẹ cần hết sức cẩn thận khi coi sóc con nhỏ, tuyệt đối đừng bao giờ để con ở một mình hoặc ở với anh chị cũng ở độ tuổi quá nhỏ.

Các bác sĩ cho biết, mỗi năm bệnh viện Nhi Vũ Hán tiếp nhận khoảng 500 trường hợp các em nhỏ độ tuổi từ 1 – 3 bị ngạt đường thở do dị vật. Những đồ vật khiến trẻ dễ bị hóc, nuốt phải nhất chính là các món đồ nhỏ như pin, cúc áo, các hoạt hạt cứng, các mảnh đồ chơi nhỏ,… Do đó, bố mẹ không nên chủ quan khi trông coi con mình. Phải cẩn thận tối đa trong mọi lúc để đảm bảo an toàn cho con.

 

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/mieng-dan-hoat-hinh-trung-quoc-gay-ung-thu-vo-sinh-20151218150225727.htm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *