Từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi chính thức có hiệu lực.
Theo Đời sống & pháp luật, quy định trong Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung năm 2024, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, có nhiều thay đổi lớn, tập trung vào việc tăng quyền lợi và tạo thuận lợi tối đa cho người dân.
Các điểm mới quan trọng bao gồm:
- Xóa bỏ rào cản địa lý: Người dân được khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế cấp cơ bản (tuyến huyện) trên toàn quốc mà không bị giới hạn bởi nơi đăng ký. Đồng thời, được lên thẳng tuyến trên với một số bệnh nặng mà không cần giấy chuyển viện.
- Mở rộng quyền lợi chi trả: Quỹ BHYT sẽ thanh toán cho các dịch vụ mới như khám bệnh tại nhà, từ xa và điều trị tật khúc xạ mắt cho người dưới 18 tuổi (thay vì dưới 6 tuổi như trước).
- Giải quyết tình trạng thiếu thuốc: Cho phép thanh toán BHYT đối với thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các bệnh viện để đảm bảo bệnh nhân không bị gián đoạn điều trị.
- Tăng đối tượng được hỗ trợ: Bổ sung thêm nhiều nhóm được nhà nước hỗ trợ 100% phí BHYT như nhân viên y tế thôn bản, người từ 75 tuổi hưởng hưu trí và dân quân thường trực.
- Siết chặt quản lý: Áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc hơn, bao gồm lãi suất phạt cao và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn đóng, chậm đóng BHYT.
Bên cạnh đó, thẻ bảo hiểm y tế được cấp bằng bản điện tử, bản giấy và có giá trị pháp lý như nhau. Mỗi người chỉ được cấp một mã số bảo hiểm y tế. Như vậy thay vì quy định mỗi người “chỉ được cấp một thẻ BHYT” như hiện nay thì luật mới quy định mỗi người được cấp một “mã số BHYT“. Mã số BHYT này được tích hợp vào các ứng dụng điện tử (như VssID, VNeID), thẻ CCCD gắn chip…
Theo BHXH Việt Nam, ứng dụng VssID, VNeID, hoặc thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chip là các phương thức điện tử để thay thế thẻ BHYT giấy. Thẻ điện tử sử dụng công nghệ sinh trắc học để xác thực, tăng tính an toàn, hạn chế trục lợi, tạo thuận lợi cho việc khám chữa bệnh BHYT.
Theo báo Tin tức cho biết, một trong những điểm nhấn nổi của luật BHYT sửa đổi lần này là lần đầu tiên BHYT thanh toán các dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà, khám bệnh từ xa. Quy định này bao gồm cả chi phí thuốc, vật tư y tế và chi phí vận chuyển hợp lý trong các trường hợp phải chuyển tuyến cấp cứu hoặc điều trị nội trú.
Đây là bước tiến rất nhân văn, đặc biệt với người cao tuổi, người bệnh mạn tính, người khuyết tật hoặc cư dân vùng sâu, vùng xa trung tâm. Việc này sẽ giúp giảm gánh nặng đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người bệnh được chăm sóc kịp thời và hiệu quả ngay tại nơi cư trú.
Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích người dân duy trì thẻ BHYT liên tục, có trách nhiệm, đồng thời thể hiện hiện sự tri ân đối với người tham gia lâu dài, BHYT mới sửa đổi từ ngày 1/7 quy định người tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục sẽ được quỹ BHYT chi trả toàn bộ chi phí (trong phạm vi quyền lợi) nếu chi phí cùng chi trả trong năm vượt quá 6 lần mức tham chiếu (14,04 triệu đồng).
Một điểm mới rất nhân văn là từ ngày 1/7/2025 người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh hiếm sẽ được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh tại cơ sở chuyên sâu mà không bắt buộc phải chuyển tuyến theo thủ tục hành chính như trước. Sự thay đổi này góp phần giảm phiền hà, giúp rút ngắn thời gian chờ, nâng cao hiệu quả điều trị và bảo đảm quyền lợi tối đa cho người bệnh đang trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
Trước đây, nhiều người dân tạm trú dài ngày tại nơi khác vẫn phải quay về nơi đăng ký BHYT ban đầu để khám chữa bệnh đúng tuyến, gây tốn kém và bất tiện. Theo quy định, từ ngày 1/7, người đã khai báo tạm trú từ 30 ngày trở lên tại địa phương mới sẽ được khám chữa bệnh đúng tuyến ngay tại nơi đang cư trú, không cần quay về nơi đăng ký ban đầu. Quy định mới này được cho là phù hợp với thực tế di cư lao động, học tập, công tác hiện nay của người dân, đồng thời tạo thuận lợi lớn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời và đúng quyền lợi.
Chính sách BHYT sửa đổi có thêm nhiều nhóm người yếu thế trong xã hội được hỗ trợ tham gia BHYT. Đây là minh chứng rõ ràng cho chính sách nhân văn, bao phủ và bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, tạo điều kiện tiếp cận y tế công bằng cho mọi người dân. Theo đó, từ ngày 1/7, thêm nhiều nhóm người yếu thế trong xã hội được hỗ trợ tham gia BHYT như nhân viên y tế thôn bản, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú, nạn nhân bị mua bán người.
Ngoài ra, nhiều nhóm được cấp thẻ BHYT hoàn toàn miễn phí như dân quân thường trực, người từ 70 đến 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo có hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, người lao động hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu…
Ngoài những mở rộng về quyền lợi, chính sách đóng BHYT theo hộ gia đình cũng có sự điều chỉnh linh hoạt hơn. Theo đó, mức đóng của từng thành viên trong hộ sẽ giảm dần theo số lượng người tham gia: người thứ hai đóng bằng 70% mức đóng của người đầu tiên, người thứ ba đóng 60%, người thứ tư 50% và từ người thứ năm trở đi chỉ còn 40%, giúp giảm gánh nặng tài chính, nhất là tại các vùng nông thôn, gia đình đông người.
Bên cạnh đó là bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính. Người dân chỉ cần kê khai tạm trú, lưu trú đúng quy định và có căn cước công dân có thể nhanh chóng được xác định nơi cư trú, nhận thẻ BHYT điện tử, thời gian chờ hưởng giảm còn 30 ngày.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống chính sách BHYT có hiệu lực từ ngày 1/7 mang tính đột phá về cả phạm vi, đối tượng, quyền lợi và cơ chế hỗ trợ. Tất cả những điều này cho thấy BHYT không chỉ là công cụ tài chính mà còn là “lá chắn” an sinh bền vững, đồng hành với người dân trong việc chăm sóc sức khỏe.
Cách tích hợp thẻ BHYT vào các ứng dụng VNeID hoặc VssID
Để sử dụng ứng dụng VNeID hoặc VssID thay cho thẻ BHYT giấy, người dân có thể tự tích hợp thẻ BHYT vào các ứng dụng này theo các bước đơn giản:
Trước tiên, người dân cần cập nhật phiên bản mới nhất của ứng dụng VNeID.
Sau đó, mở ứng dụng và đăng nhập, chọn mục Ví giấy tờ, rồi chọn Tích hợp thông tin.
Tiếp theo, chọn Tạo mới yêu cầu và nhập số thẻ BHYT cùng thông tin đơn vị cấp thẻ để hoàn tất việc tích hợp.
Về ứng dụng VssID, hiện nay, hầu hết tài khoản đã được xác thực với dữ liệu về dân cư, cập nhật số CCCD.
Với tài khoản chưa được cập nhật, người dùng có thể thực hiện các bước sau để cập nhật số CCCD hay mã số định danh cá nhân đối với người tham gia BHXH, BHYT vào ứng dụng VssID.
(Nguồn: Công an tỉnh Quảng Ninh)
Cách cập nhật số căn cước công dân vào ứng dụng VssID trên điện thoại
Để kiểm tra số CCCD đã cập nhật trên ứng dụng VssID: Mở ứng dụng VssID trên điện thoại – Đăng nhập tài khoản. Nếu tài khoản đã hiển thị số CCCD thì không cần cập nhật.
Nếu vẫn còn số CMND cũ thì cần thực hiện thay đổi thông tin, thì thực hiện các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn – Đăng nhập bằng tài khoản VssID của bạn.
Bước 2: Khi Đăng nhập thành công thì nhìn lên phía trên chọn vào Thông tin tài khoản để thay đổi số CMT/CCCD.
Bước 3: Tại phần quản lý thông tin, bạn có thể dễ dàng chỉnh sửa số CMT/CCCD.
Bước 4: Xác nhận tại cơ quan BHXH. Sau khi hoàn tất việc thay đổi thông tin trực tuyến, người dùng sẽ nhận được thông báo yêu cầu đến cơ quan BHXH gần nhất để xác nhận và hoàn tất việc thay đổi thông tin trên hệ thống BHXH.
Nếu người dân khó khăn cài đặt, liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được hỗ trợ cài đặt ứng dụng nếu chưa thể thực hiện được hoặc không có CCCD gắn chip.
Cán bộ BHXH có trách nhiệm hướng dẫn người tham gia cài đặt, sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, VNeID; sử dụng thẻ CCCD có gắn chip để đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ BHYT bản giấy.