Trước giờ G ngày 1/7/2026, thời điểm Hà Nội chính thức cấm xe máy xăng trong nội đô, thị trường xe máy đang chứng kiến cuộc đua giảm giá chưa từng có. Đây không chỉ là cuộc “xả hàng” quy mô lớn, mà còn là bước chuyển mình của cả một thời đại lựa chọn phương tiện cá nhân mới.

Hình ảnh các phương tiện xe máy di chuyển trên đường quốc lộ 1B cũ đoạn qua bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Khánh Huy
Cuộc đua giảm giá trước hạn chót
Chưa đầy một năm nữa, Hà Nội sẽ chính thức bước vào giai đoạn cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1. Trước cú hích chính sách lớn mang tên Chỉ thị 20/CT-TTg, thị trường xe máy xăng, vốn là “linh hồn giao thông” của Việt Nam suốt nhiều thập kỷ, đang có những phản ứng rõ rệt: hàng loạt mẫu xe được giảm giá sâu, các chương trình khuyến mại “chạy nước rút” được tung ra, và người tiêu dùng thì khẩn trương tận dụng giai đoạn chuyển tiếp hiếm có này.
Từ đầu tháng 7/2025, thị trường xe máy nội đô Hà Nội bắt đầu xuất hiện dấu hiệu “xả hàng” ở phân khúc xe xăng. Nhiều mẫu tay ga từng “cháy hàng” như: Honda Vision, Honda Lead hay Yamaha Janus bất ngờ được đại lý bán thấp hơn giá niêm yết, giảm từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Mục tiêu rõ ràng: thu hồi vốn, dọn kho cho một Kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của xe điện.
Cụ thể, Honda Vision – mẫu xe tay ga bán chạy nhất tại Việt Nam ghi nhận mức giảm nhẹ, phiên bản cao cấp từ 32,98 triệu đồng còn 32,49 triệu đồng, bản thể thao cũng giảm gần 400.000 đồng. Honda Lead, “nữ hoàng cốp rộng” giảm sâu hơn, có bản chỉ còn 38,99 triệu đồng, thấp hơn gần 600.000 đồng so với niêm yết. Yamaha Janus không đứng ngoài cuộc đua. Dù giữ nguyên giá đề xuất 29,151 triệu đồng, nhưng hãng lại tung ra chương trình hỗ trợ lệ phí đăng ký 2 triệu đồng hoặc ưu đãi trả góp lãi suất 0%. Tại các đại lý, đây là cơ hội bán hàng mà trước đây hiếm thấy với những dòng xe từng lên giá vì nguồn cung khan hiếm.
Không chỉ xe tay ga, xe số, dòng xe phổ biến ở nông thôn cũng đang giảm giá. Mẫu xe quốc dân Honda Wave Alpha có giá thực tế chỉ 17,5 triệu đồng, rẻ hơn giá đề xuất gần 1 triệu đồng. Dòng Future 125 cũng ghi nhận mức giảm 500.000 đồng. Theo chia sẻ từ một đại lý Yamaha ở Hà Nội: “Giờ là lúc bán được xe là tốt rồi, nhiều mẫu chấp nhận hòa vốn, thậm chí lỗ nhẹ để xả bớt xe xăng. Sau tháng 7/2026, nếu không tiêu thụ được nội đô, chúng tôi buộc phải chuyển hàng về các tỉnh”.
Trong khi thị trường sôi động từ phía cung, phía cầu cũng ghi nhận làn sóng “tranh thủ mua nhanh” từ người tiêu dùng. Đa số người mua thời điểm này là những người sống hoặc làm việc ngoài khu vực Vành đai 1, hoặc có kế hoạch sử dụng xe ở tỉnh, nơi lệnh cấm xe xăng chưa được áp dụng. Chị Lê Thúy Hiền (phường Xuân Đỉnh, Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi chật hẹp, lại không muốn sạc pin xe trong nhà, mà xe xăng giờ rẻ nên tôi tranh thủ mua chiếc Vision đi vài năm rồi gửi về quê cho em gái. Ở quê vẫn dùng xe xăng bình thường”. Xu hướng “mua để chuyển vùng” đang chiếm tỷ trọng lớn, nhất là với những người có hộ khẩu tỉnh hoặc có người thân ở các địa phương chưa bị ảnh hưởng bởi quy định cấm. Các đại lý cũng ghi nhận nhiều người chọn hình thức mua trả góp để tận dụng giá rẻ mà không cần chi trả ngay.
Kẻ ở lại, người ra đi
Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vàng cho người tiêu dùng nếu muốn sở hữu xe xăng giá rẻ, đặc biệt là những dòng từng “đội giá” trong thời kỳ khan hàng. Tuy nhiên, thị trường đang dần tách thành 2 nhóm khách hàng rõ rệt. Nhóm đầu tiên là những người mua xe xăng để phục vụ nhu cầu di chuyển ngắn hạn (1 – 2 năm) hoặc dùng tại các địa phương chưa áp dụng cấm xe xăng. Với họ, xe xăng vẫn là phương tiện tiện dụng, rẻ, dễ sửa, đặc biệt phù hợp với hạ tầng hiện tại. Nhóm thứ hai là những người sẵn sàng chuyển đổi sang xe điện, xu hướng mà các nhà sản xuất lớn đang theo đuổi mạnh mẽ. Với người đã có điều kiện sạc, chỗ đỗ phù hợp và chấp nhận mức giá cao hơn, xe điện trở thành sự lựa chọn “xanh” và dài hạn.
Không phải ngẫu nhiên mà trong lúc các đại lý “xả hàng” xe xăng, các hãng lại đồng loạt công bố chiến lược xe điện. Là thương hiệu nắm hơn 83% thị phần xe máy tại Việt Nam, Honda Việt Nam cho biết việc đẩy mạnh xe điện là một trong 3 trụ cột chiến lược đến năm 2030. Đại diện Công ty Honda Việt Nam (HVN) tiết lộ, hãng sẽ ra mắt ít nhất 5 mẫu xe điện mới giai đoạn 2026 – 2030.
Bên cạnh hai dòng xe điện hiện tại là ICON:e và CUV:e, Honda còn hướng tới mở rộng hoạt động kinh doanh xe điện toàn diện từ năm 2035. Không chỉ Honda, các thương hiệu khác như: Yamaha, VinFast, Yadea… cũng đang đầu tư mạnh vào hạ tầng, nghiên cứu pin, trung tâm bảo trì xe điện. Điều này cho thấy: thị trường xe hai bánh Việt Nam đang bước vào một cuộc chuyển đổi sâu sắc cả về công nghệ, hạ tầng và hành vi tiêu dùng.
Chỉ thị 20/CT-TTg không chỉ là một văn bản hành chính. Đó là “lệnh khởi động” cho quá trình chuyển đổi xanh lớn nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực giao thông cá nhân tại các đô thị Việt Nam. Cuộc chia tay với xe xăng tại nội đô Hà Nội vào tháng 7/2026 sẽ không chỉ là thay đổi phương tiện, mà là thay đổi cả một hệ sinh thái giao thông, kinh doanh, sửa chữa, và cả thói quen di chuyển của hàng triệu người. Trong giai đoạn giao thời này, người tiêu dùng đang đứng giữa hai thái cực: tranh thủ “săn xe xăng giá hời” hay chủ động đón đầu xu hướng xanh. Dù lựa chọn ra sao, đây vẫn là thời điểm lịch sử, khi thị trường xe máy Việt Nam chính thức bước vào cuộc đại chuyển dịch chưa từng có trong suốt hơn 30 năm phát triển.
Ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị là giao UBND TP Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1. Vành đai 1 Hà Nội cấm xe máy chạy xăng gồm những tuyến đường, phố nào? Người Hà Nội rộn ràng đổi xe xăng lấy xe máy điện, nhiều khách hàng “lên đời không cần lái thử”