EQ thấp hay còn gọi là trí tuệ cảm xúc thấp không chỉ thể hiện qua cách cư xử ngoài đời mà còn lồ lộ trên… dòng trạng thái Facebook. Bạn không cần phải là chuyên gia tâm lý để nhận ra đâu. Chỉ cần lướt vài phút trên newsfeed, nếu thấy ai hay đăng mấy caption dưới đây, khả năng cao là họ đang mắc kẹt trong những biểu hiện EQ thấp.
1. “Không phải ai cũng như mình nghĩ đâu…”
ADVERTISEMENT
Dạng caption úp mở, mơ hồ nhưng đầy ám chỉ này là “đặc sản” của những người EQ thấp. Họ thường dùng Facebook như nơi để trút bầu tâm sự, nhưng lại không dám nói thẳng. Thay vì giao tiếp trực tiếp để giải quyết mâu thuẫn, họ chọn cách đăng những dòng status mập mờ khiến người khác phải tự suy diễn. Mà khổ nỗi, người bị đá xéo thì có khi không thèm quan tâm, còn người vô tội lại tưởng mình có lỗi. Một vòng luẩn quẩn gây hiểu lầm, đặc sản của việc không kiểm soát tốt cảm xúc.
Người EQ thấp hay thích đăng các kiểu status dạng “ám chỉ”. (Ảnh minh họa)
2. “Ai rồi cũng thay đổi, chỉ là theo cách tệ hơn…”
Một câu nói mang vẻ sâu sắc nhưng lại toát lên sự bi quan, tiêu cực. Những người EQ thấp thường nhìn thế giới bằng lăng kính đổ lỗi và mất niềm tin. Caption kiểu này không chỉ phản ánh cái nhìn bi quan về các mối quan hệ mà còn khiến người đọc cảm thấy ngộp thở. Thay vì truyền năng lượng tích cực, họ chọn cách reo rắc tâm trạng nặng nề lên người khác. Có thể họ đang buồn thật, nhưng không biết cách “buồn văn minh”.
3. “Đừng tưởng im lặng là không biết gì…”
Đây là kiểu caption mang tính đe dọa nhẹ, như một lời cảnh báo gửi tới ai đó nhưng lại không nói rõ ai. Nó thường đi kèm với một chiếc ảnh đen trắng, hoặc khuôn mặt lạnh lùng nhìn xa xăm. Người EQ cao sẽ chọn đối thoại, còn người EQ thấp thì âm thầm đăng status để hù dọa đối phương trong vô vọng. Rốt cuộc chỉ khiến người ngoài nhìn vào thấy hơi trẻ con và thiếu bản lĩnh.
4. “Ai tốt với tôi, tôi sẽ tốt lại. Ai tệ với tôi, tôi chẳng ngán đâu!”
Nghe qua tưởng ngầu lắm, nhưng thực chất là sự thiếu kiểm soát cảm xúc rõ rệt. Đây là kiểu người sống theo nguyên tắc “ăn miếng trả miếng”, không có sự cảm thông hay hiểu cho bối cảnh của người khác. EQ thấp khiến họ phản ứng thái quá với mọi sự bất đồng, thay vì lắng nghe và đặt mình vào vị trí đối phương. Caption này vô tình khiến hình ảnh của họ trở nên cứng nhắc, khó gần và dễ gây xung đột.
EQ thấp hay còn gọi là trí tuệ cảm xúc thấp không chỉ thể hiện qua cách cư xử ngoài đời mà còn lồ lộ trên… dòng trạng thái Facebook. (Ảnh minh họa)
5. “Tôi chọn một mình. Vì chẳng ai thật lòng cả”
Thay vì nhìn lại lý do khiến các mối quan hệ đổ vỡ, người EQ thấp thường chọn cách đổ lỗi cho cả thế giới. Họ nghĩ mình tỉnh táo, nhưng thực ra đang tự cô lập bản thân trong một cái kén tiêu cực. Những caption như thế này nếu xuất hiện quá nhiều sẽ tạo cảm giác nạn nhân khiến người ngoài e ngại, không muốn tiếp cận. Suy cho cùng, không ai muốn chơi thân với một người lúc nào cũng mang tâm thế bị phản bội.
Facebook là nơi để thể hiện cá tính, nhưng cũng là nơi phơi bày EQ rõ rệt nhất. Những caption kiểu ám chỉ, đổ lỗi, đe dọa nhẹ tuy không có gì quá nặng nề, nhưng lại khiến người đọc cảm thấy mệt mỏi nếu thấy quá thường xuyên. Người EQ cao không cần phải nói quá nhiều, cũng không dùng mạng xã hội để gây chiến ngầm. Họ chọn cách sống rõ ràng, giao tiếp thẳng thắn và lan tỏa năng lượng tích cực. Thế nên, trước khi đăng caption, hãy thử hỏi: “Dòng này đang giúp mình giải tỏa hay khiến người khác thêm xa mình?”.
Xem thêm: Thường đăng 5 điều này lên MXH chính là biểu hiện của EQ thấp
MXH là nơi mỗi người thể hiện suy nghĩ, cảm xúc và cá tính. Nhưng đồng thời, đây cũng là “tấm gương” phản chiếu rõ nét trí tuệ cảm xúc (EQ) của mỗi người. EQ không chỉ thể hiện qua cách chúng ta ứng xử trong đời sống hàng ngày, mà còn bộc lộ rõ ràng qua những gì được chia sẻ công khai trên MXH.
Người có EQ thấp thường thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, dễ để cảm xúc chi phối hành động. Những đặc điểm này đặc biệt dễ nhận ra trên MXH, nơi mọi nội dung đều được lưu lại và lan truyền nhanh chóng.
Dưới đây là 5 điều mà người có EQ thấp thường xuyên đăng tải trên MXH.
1. Phàn nàn hoặc trách móc công khai
Người EQ thấp thường khó kiểm soát cảm xúc tiêu cực và có xu hướng chuyển trách nhiệm ra bên ngoài. Khi gặp vấn đề, thay vì tìm cách giải quyết hoặc trao đổi trực tiếp, họ chọn MXH như một “công cụ xả giận”, đăng bài phàn nàn, chỉ trích hoặc trách móc người khác.
Hệ quả là họ dễ tạo ra mâu thuẫn, làm tổn hại hình ảnh cá nhân và khiến người khác cảm thấy khó xử. Người EQ cao thì ngược lại, họ biết rằng, phơi bày cảm xúc tiêu cực công khai không phải là cách giải quyết thông minh.
Ảnh minh hoạ.
2. Khoe khoang quá mức
Người EQ thấp đôi khi đánh đồng giá trị bản thân với hình ảnh vật chất bên ngoài, từ đó có xu hướng đăng tải nội dung khoe khoang nhằm tìm kiếm sự công nhận từ người khác.
Điều này không chỉ khiến nội dung trở nên kém chân thực mà còn dễ gây phản cảm, khiến người khác cảm thấy bị so sánh hoặc ghen tị.
Trong khi đó, người EQ cao hiểu rõ rằng sự khiêm tốn và tinh tế thường được đánh giá cao hơn sự khoa trương.
3. Đăng bình luận tiêu cực về người khác
Người EQ thấp khó kiểm soát bức xúc cá nhân, thường xuyên đăng những lời mỉa mai, đả kích hoặc “đá xéo” người khác mà không nghĩ đến hậu quả.
Họ thường thiếu khả năng đặt mình vào vị trí của người khác và không nhận thức được rằng lời nói tiêu cực công khai có thể gây tổn thương lớn đến đối phương.
Ngược lại, người EQ cao hiểu rõ giá trị của giao tiếp tích cực và sự tôn trọng, họ chọn cách phản hồi trực tiếp, riêng tư và mang tính xây dựng.
Ảnh minh hoạ.
4. Chia sẻ thông tin sai sự thật hoặc thiếu kiểm chứng
Người có EQ thấp thường dễ bị cảm xúc nhất thời chi phối, nên đôi khi chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng vì cảm thấy đồng cảm, phẫn nộ hoặc muốn gây chú ý. Điều này có thể vô tình góp phần lan truyền thông tin sai sự thật nếu không kiểm chứng kỹ lưỡng.
Ngược lại, người EQ cao có tư duy phản biện và trách nhiệm xã hội, họ kiểm chứng thông tin kỹ càng trước khi chia sẻ và luôn cân nhắc xem việc đăng tải đó có ích hay không.
5. Công khai quá nhiều thông tin cá nhân
Người EQ thấp thiếu cảm giác về ranh giới cá nhân và xã hội, nên dễ dàng chia sẻ quá mức về đời sống riêng tư, từ thu nhập, chuyện tình cảm đến lịch trình di chuyển.
Người EQ cao biết cách kiểm soát hình ảnh cá nhân, họ chỉ chia sẻ những điều phù hợp với từng nền tảng và từng nhóm người, giữ được sự chuyên nghiệp lẫn an toàn.
Ảnh minh hoạ.
EQ không chỉ thể hiện trong đời sống, mà còn thể hiện rõ trên MXH
Không phải ai đăng 5 điều kể trên đều có EQ thấp, nhưng nếu hành vi này lặp đi lặp lại và thiếu kiểm soát, đó có thể là dấu hiệu cho thấy cá nhân đang gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc.
EQ hoàn toàn có thể rèn luyện. Và MXH chính là nơi phản ánh rõ nhất bạn là ai, bạn kiểm soát cảm xúc và ứng xử với cộng đồng như thế nào.
Nguồn:https://thanhnienviet.vn/thuong-dang-5-dieu-nay-len-mxh-chinh-la-bieu-hien-cua-eq-thap-209250722175115578.htm